"Bị đánh vào mặt không đau lắm đâu. Nó chỉ gây tổn thương thôi",ựtrưởngthànhcủaMarkZuckerbergsaubêbốxsmnt7 Mark Zuckerberg nói với Forbesvề phong cách của ông gần đây và định hướng tương lai, bắt đầu với sở thích tập võ MMA.
Dành phần lớn thời gian điều hành Facebook, nay là Meta, Zuckerberg từng bị coi là "CEO trẻ con" khi vướng phải hàng loạt bê bối và giải quyết chúng với cảm xúc cá nhân theo hướng không tích cực. Nhưng thời gian qua, Zuckerberg có một loạt dấu hiệu thay đổi, thể hiện sự chững chạc hơn.
"Thứ quyết định số phận của bạn không phải là đối thủ cạnh tranh. Đó là cách bạn thực hiện", Zuckerberg nói.
Zuckerberg sẽ bước sang tuổi 40 vào tháng 5/2024 và khối tài sản hiện khoảng 106 tỷ USD. Suốt 20 năm kể từ khi tạo nên Facebook, xung quanh ông có người hâm mộ, kẻ thù và những mối lo về chống độc quyền. Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft, cũng từng như vậy. Theo Forbes, ông giờ đây có vẻ như đang trải qua "khoảnh khắc Bill Gates".
Gates và Zuckerberg có nhiều điểm tương đồng. Gates bỏ học ở Harvard để xây dựng một trong những công ty công nghệ có tầm quan trọng bậc nhất trong lịch sử. Ông cũng là "gương mặt kỳ lạ" tìm cách vươn lên đỉnh cao công nghệ bằng nhiều cách. Và ở tuổi 40, người đồng sáng lập Microsoft đã đảo ngược kịch bản bằng cách chuyển đổi hình ảnh thành một nhà hảo tâm ở quy mô toàn cầu.
Điều đó được cho là đang diễn ra ở Zuckerberg.
Sự thay đổi quan trọng
Daniel Ek, người sáng lập Spotify và là bạn của Zuckerberg, mô tả CEO Meta trong quá khứ bằng từ "kiêu ngạo và dối trá", sau đó là "dấu ấn của sự độc ác" với bê bối Cambridge Analytica.
"Nhưng điều ấy đưa chúng ta đến Zuckerberg của hôm nay. Trước công chúng, anh ấy chân thực hơn rất nhiều", Ek nói. "Zuckerberg đã học được nhiều điều trong vài năm qua. Bên trong anh ấy đang có một ngọn lửa mới. Anh ấy nhận ra rằng mình cần hành động có trách nhiệm vì các nền tảng khổng lồ đã tạo ra".
Thực tế, Zuckerberg vẫn tồn tại "con người cũ", đặc biệt là sự cố chấp với tham vọng vũ trụ ảo metaverse với hàng chục tỷ USD đầu tư chưa mang lại kết quả, nhưng ông đã có những thay đổi lớn, đặc biệt là việc chấp nhận "quan điểm võ thuật về thế giới". CEO Meta giờ đây trưởng thành hơn, dựa trên một nguyên tắc trong MMA: sự trưởng thành.
"Khi bước vào cuộc đấu, bạn không chiến đấu với người khác mà chiến đấu với bản thân. Bạn cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình", Zuckerberg nói trong phỏng vấn.
Zuckerberg có cơ hội làm điều đó. Tại Meta, việc sở hữu cổ phiếu cho tỷ lệ biểu quyết tới 61% giúp ông không thể bị loại bỏ nhưng cũng không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu công ty gặp sự cố.
"Bạn có thể tập hợp tất cả cổ đông để bỏ phiếu chống lại Mark không?", người đồng sáng lập Facebook Dustin Moskovitz đặt câu hỏi. "Không, bạn không thể".
Hầu hết doanh nghiệp quy mô siêu lớn tránh việc để một người nắm toàn quyền quyết định, nhưng Zuckerberg lại xem đó là "tính năng". "Có nhiều công ty có nhiều vốn, nhưng cơ cấu lãnh đạo hoặc hội đồng quản trị không cho phép họ cược lớn vào tương lai. Chúng tôi là công ty do người sáng lập kiểm soát", Zuckerberg cho biết.
Phong cách lãnh đạo này giúp Facebook liên tục phát triển và thâu tóm nhiều tên tuổi khác như WhatsApp, Oculus hay Instagram, dù trước đó có nguy cơ bị Yahoo mua lại với giá hai tỷ USD. Nhưng khi ở đỉnh cao, đặc biệt là sau màn IPO năm 2012, Zuckerberg bắt đầu kiêu ngạo.
Từ lúc này, mạng xã hội của ông liên tiếp gặp bê bối. Vào năm 2014, thuật toán của Facebook đã khuếch đại các lời kêu gọi bạo lực sắc tộc ở Myanmar. Năm 2016, vụ Cambridge Analytica trở thành một trong những scandal dữ liệu lớn nhất. Năm 2021, người tố giác Frances Haugen tiết lộ ban lãnh đạo Facebook đã biết về tác hại mà sản phẩm của họ có thể gây ra với người dùng, đặc biệt là trẻ vị thành niên, nhưng phớt lờ vì lợi nhuận.
"Di sản của Zuckerberg sẽ là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc phá hoại nền dân chủ thông qua Facebook. Không có Facebook, cả thế giới sẽ hoàn toàn khác, và tốt hơn nhiều. Đối với một người có rất nhiều cơ hội tốt, đây là một bi kịch", Forbestừng bình luận.
Khi Zuckerberg trưởng thành
Tháng 9/2021, cổ phiếu Facebook đạt mức cao nhất. Công ty đạt giá trị vốn hóa gần 1,1 nghìn tỷ USD và Zuckerberg nằm trong 10 tỷ phú giàu nhất thế giới với 136 tỷ USD. Ông có quyết định táo bạo: tham gia metaverse và đổi tên thành Meta để theo đuổi tham vọng.
Trong 14 tháng tiếp theo, cổ phiếu Meta giảm tới 75%. Tài sản của Zuckerberg khi đó chỉ còn 33 tỷ USD.
Năm ngoái, ông chủ Meta quyết định làm điều gì đó khác biệt. Ông không đưa ra tuyên bố đánh thép hay những lời xin lỗi kiểu nửa vời như trước. Thay vào đó, ông chuyển hướng. Việc đầu tiên là sa thải hơn 21.000 nhân viên vào cuối 2022 và đầu 2023.
"Năm ngoái, chúng tôi đã thực hiện một số quyết định thực sự khó khăn. Rõ ràng, đó không phải điều mà tôi muốn làm", ông thừa nhận. "Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng thiết lập và vận hành công ty với hai mục tiêu. Một là hoạt động hiệu quả hơn và xây dựng sản phẩm tốt, nhanh hơn. Thứ hai là đảm bảo chúng tôi có đủ tài chính để bù đắp cho những khó khăn có thể có khi theo đuổi AI và metaverse".
Đến nay, tầm nhìn đó không thay đổi. Công ty hiện lỗ hoạt động khoảng 40 tỷ USD do metaverse, nhưng Zuckerberg không từ bỏ. Thay vào đó, ông tinh chỉnh để mọi thứ hợp thời hơn bằng cách tích hợp thêm AI.
Động thái mới được giới đầu tư đón nhận tích cực. Giá cổ phiếu Meta đã tăng hơn ba lần kể từ đáy vào cuối 2022. Năm nay, các nhà phân tích dự đoán doanh thu sẽ tăng 14% lên gần 133 tỷ USD và lợi nhuận tăng 50% lên 34 tỷ USD.
Đối với Zuckerberg, giờ đây metaverse không chỉ gồm VR/AR mà còn cả AI. Giống như Gates đánh giá AI quan trọng như Internet, Zuckerberg coi việc phổ biến AI là một sự kiện mang tính thay đổi. Công ty đã tạo ra mô hình ngôn ngữ lớn LLaMA 2, dự kiến xuất hiện trên nhiều sản phẩm Meta thời gian tới.
"AI sẽ xử lý mọi thứ", Zuckerberg nói.
Ông chủ Meta cũng thừa nhận AI là một trong những canh bạc tốn kém hướng tới tương lai, nhưng không từ bỏ. "Sẽ mất nhiều thời gian để có được một chiếc kính VR/AR hoàn chỉnh và đó là mục tiêu cuối cùng của Reality Labs", ông nói. "Sẽ có người hỏi: Meta đang đốt tiền vào việc gì?. Câu trả lời đại loại là: Chúng tôi đang cố gắng đưa một siêu máy tính vào một cặp kính".
Mục tiêu từ thiện
Bill Gates bắt đầu tập trung vào công việc từ thiện từ tuổi 40, nhưng Zuckerberg còn sớm hơn. Từ khi 26 tuổi, ông ký cam kết cho đi phần lớn tài sản như cách mà nhà đồng sáng lập Microsoft làm.
"Bill tin tưởng mạnh mẽ rằng, nếu bạn muốn làm tốt công việc từ thiện một cách kỷ luật và muốn giỏi việc đó khi về già, bạn cần luyện tập", Zuckerberg nói.
Năm 2015, trước khi con gái đầu lòng chào đời, Zuckerberg và vợ Priscilla Chan cho biết sẽ trao 99% tài sản cho quỹ từ thiện do cả hai sáng lập có tên Chan Zuckerberg Initiative (CZI). Đến nay, CZI nổi lên như một trong những nỗ lực từ thiện lớn nhất thế giới, chỉ sau quỹ Melinda French Gates.
Theo Chan, mục tiêu táo bạo của CZI là các nghiên cứu khoa học ứng dụng vào đời sống, nhất là việc chữa trị và ngăn ngừa bệnh tật vào cuối thế kỷ này. Để đạt được, CZI có kế hoạch xây dựng một trong những cụm điện toán AI lớn nhất thế giới dành cho nghiên cứu khoa học phi lợi nhuận, cũng như nhiều hạ tầng phục vụ nghiên cứu khác.
"Ngay cả khi chỉ một phần ba số tiền tôi đặt cược vào công việc, tôi nghĩ, điều đó vẫn tạo ra rất nhiều giá trị trên thế giới", Zuckerberg nói thêm.
Bảo Lâm (theo Forbes)